Nghị luận về ý thơ của Tố Hữu: Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn? – Bài làm 1

“Phải sống như thế nào?” là một câu hỏi tự đặt ra, luôn luôn trăn trở với nhiều người trong cuộc sống hằng ngày. Đó là một câu hỏi mà nhiều người trong chúng ta từng phấn đấu thể hiện không mệt mỏi. Thi sĩ Tố Hữu đã từng viết: “Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn ?” Có thể nói đó là một câu thơ hay, một ý thơ đẹp, nhiều gợi mở, từng trở thành hành trang tâm hồn của bao bạn trẻ ngày nay.

Vậy thế nào là sống đẹp? Cách sống là cách làm người; sống đẹp là sống đúng đạo lí của dân tộc, sống đúng gia phong nếp nhà, biết “giấy rách phải giữ lấy lề”. Sống đẹp là cách sống có văn hóa, có học, từ cách ăn mặc đi đứng đến ngôn ngữ ứng xử từ hành động thái độ đến việc làm cụ thể đều đúng mực, có ích, được mọi người đồng tình và ngợi khen, cổ nhân lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm chuẩn mực để đánh giá nhân cách kẻ sĩ để phân biệt quân tử với tiểu nhân. Ngày nay, nhân dân ta lại lấy gương người tốt việc tốt, nêu cao những con người biết sống, học tập, lao động theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để hướng tới và vươn lên.

Sống đẹp phải tùy thuộc vào lứa tuổi, vị thế xã hội. Các em nhỏ chăm ngoan, vệ sinh sạch sẽ, học giỏi là sống đẹp. Các cụ già “tuổi xưa nay hiếm” lại nêu cao khẩu hiệu: “Sống khỏe, sống vui, sống có ích” để làm gương cho con cháu noi theo. Một em bé chăn trâu đã dũng cảm nhảy xuống dòng sông cứu bạn khỏi chết đuối là sống đẹp. Một cán bộ biên phòng dũng cảm băng qua dòng nước lũ để cứu dân là sống đẹp. Một Việt kiều, một cán bộ sứ quán Việt Nam đã nêu cao, làm nổi bật những nét bản sắc của nhân dân ta trước bạn bè năm châu bốn biển là sống đẹp.

Phải biết sống đẹp trong đời thường hằng ngày. Siêng năng làm ăn, cần cù lao động, sống giản dị khiêm tốn, học hành chăm chỉ… là sống đẹp. Tham ô, lãng phí, đè đầu cưỡi cổ nhân dân là kẻ tha hóa, bất lương. Cán bộ, công chức sống đẹp là phái thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm theo điều Bác Hồ dạy là sống đẹp.

Thầy, cô giáo thương yêu, chăm lo dạy bảo học sinh, coi học sinh như con em ruột thịt của mình, phấn đấu dạy tốt, dạy giỏi là sống đẹp. Thầy thuốc hết lòng săn sóc bệnh nhân, chữa bệnh giỏi, lương y như từ mẫu là sống đẹp.

Nhân ái là truyền thống đạo lí cao đẹp của nhân dân. Tình thương đã tỏa sáng tâm hồn mỗi con người Việt Nam. Các câu ca, câu hát: “Lá lành đùm lá rách”, "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng” luôn luôn được hàng triệu người nhắc đi nhắc lại và làm theo. Người có lòng nhân sống yêu thương săn sóc mọi người là sống đẹp.

Gia huấn ca tương truyền là của Nguyễn Trãi được các cụ già nhắc lại để khuyên bảo con cháu biết sống đẹp đế giữ lấy gia phong, giữ lấy nếp nhà:

Khi còn bé tại gia hầu hạ,

Dưới hai thân vâng dạ theo lời

Khi ăn, khi nói, khi cười,

Vào trong khuôn phép, ra ngoài đoan trang…

Thời kháng chiến chống Mĩ tuổi trẻ Việt Nam đã xả thân anh dũng chiến đấu để sống đẹp, nêu cao tâm thế và lí tưởng: “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thẳng!”.

“Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn'?” – Đó là một câu thơ, câu hỏi rất thú vị. Một anh bạn đã nói: “Chí hướng của mình là học giỏi hôm nay để làm giàu ngày mai”. Lại có một cô nữ sinh lớp 12 tâm sự: “Phấn đấu thi tốt nghiệp, thi đại học đạt điểm cao, thi đỗ vài trường mà mình mơ ước”.

Bình luận về ý thơ của Tố Hữu: Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn? – Bài làm 2

Trong cuộc sống văn minh hiện nay, chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều cách sống khác nhau. Có người thì chọn cách sống ẩn dật. Có người thì chọn cách sống xa hoa, tiêu xài lãng phí vô tội vạ. Cũng có người chọn cách sống “Làm người của công chúng”. Chúng ta có rất nhiều con đường để lựa chọn cách sống riêng của mình. Như thế, việc lựa chọn giữa “sống đẹp” và “sống xấu” sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của chúng ta. Và trong một lần nghĩ suy, nhà thơ Tố Hữu đã đặt cho ta một nghi vấn: “Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn… ?” Gợi lên biết bao suy nghĩ trong lòng chúng ta.

Trước hết, “sống đẹp” là như thế nào? Tuỳ trường hợp và hoàn cảnh, cũng như cuộc sống xã hội, chúng ta có thể hiểu hai từ ngữ này theo nhiều phương diện. Có người cho rằng “Sống đẹp” là vẻ bề ngoài sang trọng, quý phái, cũng có thể là ăn mặc theo thời đại. Có những người lại nghĩ đó là cách sống ẩn dật, tu hành. Thế nhưng liệu nhà thơ Tố Hữu có muốn nhắm tới ý nghĩa kia chăng??? Theo quan điểm riêng của tôi là không. “Sống đẹp” có lẽ đơn giản là sống tốt, giúp đời, giúp người bằng chính trái tim chân thành, vốn dĩ được sinh ra để yêu thương và cảm nhận tình yêu thương.

Xem thêm:  Một triết học nói: “Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng là gì cả. Nó làm thế nào thì nó sẽ trở thành như thế ấy, và nó phải làm bằng tự do của chính nó.Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra”. Em có quan điểm gì về câu nói này?

Có vẻ như định nghĩa từ ngữ trên cách nhìn của tác giả thật đơn giản nhưng xét ra cũng chẳng giản đơn trong đời sống hằng ngày là mấy. Đó thật là một suy nghĩ vô cùng tiêu cực. Trong cuộc sống này, hằng ngày có biết bao con người đang trao cho nhau những cử chỉ yêu thương nhẹ nhàng, đằm thắm. Cũng có biết bao nụ cười ánh mắt đem tới niềm hạnh phúc, ủi an cho người khác. Những cử chỉ nhỏ nhặt đó thôi có lẽ cũng đủ gọi là “Sống đẹp” rồi. Bởi vì một người “sống đẹp” là một người luôn đem tới niềm tin và sức mạnh cho người khác.

Nhưng phải chăng, “sống đẹp” chỉ mang ý nghĩa ngắn gọn của khái niệm sống trong phạm trù xã hội? Vâng, “Sống đẹp” còn là việc tự phấn đấu để rèn luyện bản thân và hướng con người tới Chân – Thiện – Mỹ. Việc ra sức lao động, ra sức học tập, ra sức chiến đấu… để đạt được hiệu quả to lớn cũng được cho là “sống đẹp”. Thời phong kiến xưa cũ, “chí làm trai” của các “trang nam nhi” là vì lợi ích chung của toàn xã hội, của quốc gia, không màng tới danh lợi tiền tài, sẵn sàng hi sinh cho quốc gia, sẵn sàng đánh đổi cả bản thân cho hoà bình dân tộc. Đó là một quan niệm “sống đẹp” rất hay. Tiêu biểu cho thời kỳ này là những bậc danh thần, những vị đạt tướng quân lỗi lạc: Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Lê Lợi, …

Như đã nói ở trên, quan niệm “sống đẹp” được rèn luyện và thay đổi theo thời gian. Trong hai cuộc chiến tranh ác liệt, giải phóng dân tộc dưới ách đô hộ của Pháp – Mỹ. Ta thấy hình ảnh oai hùng của dân tộc Việt Nam với sự lãnh đạo của vị cha già đáng kính Hồ Chí Minh. Người đã định hướng cho cuộc đời mình chính là tham gia vào công cuộc giải phóng dân tộc. Người đã kiên trì bôn ba tứ xứ, học hỏi cái hay, cái đẹp của xứ người để rèn luyện kiến thức bản thân rồi truyền đạt lại cho dân tộc. Đó là ngọn đuốc chói loà, ngọn hải đăng không bao giờ tắt dẫn đường cho chúng ta đạt tới sự hoàn hảo của “sống đẹp”. Đông hành cùng Bác Hồ chính là những tấm gương kiên trì trong chiến đấu, những phát minh và nỗ lực không ngừng, cũng như những hi sinh chiến đấu tới giọt máu cuối cùng của nhân dân. Tiêu biểu cho giai đoạn này chính là Trần Đại Nghĩa; Phạm Tiến Duật; Chính Hữu;…

Đó là những quan điểm về “sống đẹp” đáng để chúng ta noi theo. Thế nhưng ta đang ở trong thời kỳ hoà bình với sự phát triển đi lên của xã hội, quan điểm xưa không còn hiệu dụng cho thời gian này. Nghĩ vụ của chúng ta bây giờ chính là xây dựng đất nước, phát triển vững mạnh, mà trước hết là phát huy tối đa năng lực trong học tập và lao động. Có những con người đã thành công trên con đường “sống đẹp” này. Giáo sư Ngô Bảo Châu – người đã kiên trì chứng minh bổ đề Langlands suốt 15 năm trường. Đó là một thành quả to lớn cho sự phát triển nền Toán học Việt Nam trên trường Quốc tế. Hay là gần đây, anh Lê Vũ Hoàng đã đạt được giải nhất trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” khi hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Anh đã phấn đấu để đạt thành quả đáng khen đó.

Trên là những tấm gương sáng ngời về “sống đẹp” trong ba thời kì quan trọng trong sự phát triển đi lên của Việt Nam. Thế nhưng cũng có những thành phần đã và đang làm ô uế danh dự cái xã hội này bằng những hành vi bạo tàn không thể nào tưởng tượn được, Họ có nghĩ rằng họ đang làm bộ mặt của chính họ, gia đình họ và toàn thể dân tộc nhục nhã trên cộng đồng quốc tế khi thông tin đang được truyền đi với “tốc độ ánh sáng” ? Sự kiện Lê Văn Luyện gần đây là một nỗi đau lớn, một vết nhơ không thể xoá nhoà cho danh dự của đất nước này. Nhưng đó cũng chỉ là một trong số nhỏ trong vô vàn tội ác đang diễn ra. Là một công dân Việt Nam, tôi cảm thấy những việc làm vô đạo đức, vi phạm nghiêm trọng quyền sống và được sống của con người, là một điều không thể nào chịu đựng được. Nó làm cho truyền thống nhân nghĩa tốt đẹp của dân tộc từ xưa đến nay mất đi một cách trắng trợn.

Một nhà văn đã từng nói :” Không có gì chúng ta không thể làm khi chúng ta thật sự cố gắng”. Chính vì thế, điều mọi người nên làm bây giờ là hãy góp phần, dù là nhỏ nhoi để giúp cuộc sống này đẹp hơn. Và hãy cố gắng nỗ lực hoàn thiện bản thân mình hằng ngày bởi vì “Tội ác lớn nhất con người có thể làm, chính là không cố gắng”.

Nói tóm lại, “sống đẹp” qua các thời kì tuy có khác nhau nhưng đều quy về cái tốt đẹp cho xã hội. Là một công dân Việt Nam, nằm trong đại gia đình thế giới, chúng ta hãy làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn. Hãy ước mơ và dám ước mơ. Hãy tin rằng điều chúng ta đang làm sẽ trở thành hiện thực. Và hiện thực đó sẽ làm cuộc sống này không còn ai phải cất tiếng bộc lộ như nhà thơ Tố Hữu : “Ôi! Sống đẹp là gì thế hở bạn ?”

Trả lời câu hỏi của Tố Hữu: Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn? – Bài làm 3

Nhà thơ Tố Hữu sáng tác bài Một khúc ca vào mùa xuân năm 1979, sau bốn năm đất nước sạch bóng quân thù, cả dân tộc đang háo hức bắt tay vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình, thống nhất. Sau ba mươi năm chiến tranh, mất mát, đau thương là vô cùng to lớn. Khó khăn, gian khổ trùng trùng trước mắt lại tiếp tục thử thách ý chí, nghị lực của mỗi con người. Để có thể đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, cần phải có một sức mạnh phi thường được tạo nên từ tinh thần đoàn kết, nhất trí của toàn dân tộc. Trong hoàn cảnh ấy, quan điểm sống cá nhân ích kỉ không thể tồn tại. Câu hỏi mà Tố Hữu đặt ra trong bài thơ khiến chúng ta phải băn khoăn suy nghĩ: Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn?

Xem thêm:  Kể lại giấc mơ gặp người thân xa cách lâu ngày

Vậy thế nào là sống đẹp ?

Quan niệm sống đẹp của dân tộc Việt Nam đã có tự ngàn xưa. Lối sống nề nếp, thanh cao: Giấy rách phải giữ lấy lề; Đói cho sạch, rách cho thơm; Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn… của người lao động chính là sống đẹp. Nguyễn Trãi cách đây sáu thế kỉ cũng đã nêu cao quan điểm sống tích cực: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc, tức là lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Suốt đời, ông canh cánh bên lòng lí tưởng phấn đấu và cống hiến cho đất nước được thái bình, dân chúng được ấm no, để những chốn thôn cùng xóm vắng không còn tiếng hờn giận oán sầu.

Đến thế kỉ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới – đã kế thừa và phát huy cao độ quan điểm sống đẹp ấy và Bác đã cụ thể hóa thành một câu giản dị, dễ hiểu nhưng lại mang ý nghĩa sâu sắc của một chân lí: Mình vì mọi người, mọi người vì mình, vế: Mình vì mọi người Bác Hồ đặt lên trước, vế: mọi người vì mình đặt ở sau là có ý nhấn mạnh mỗi cá nhân phải nhận thức được rằng có cống hiến rồi mới được hưởng thụ; hãy nghĩ đến nghĩa vụ trước rồi mới nghĩ đến quyền lợi sau.

Bác Hồ lấy chính bản thân mình để làm gương. Suốt một đời Bác hi sinh, cống hiến cho dân, cho nước. Khi đã ở cương vị cao nhất là Chủ tịch nước

Việt Nam Dân chủ,Cộng hoà, Bác vẫn khẳng định: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là dân ta ai cũng được tự do, no ấm, ai cũng được học hành. Cuộc sống đạm bạc, thanh khiết, mẫu mực của Bác Hồ có sức thuyết phục rất lớn. Cả dân tộc tin tưởng và kính yêu Người. Sau khi Bác đã lên đường theo tổ tiên, nhà thơ Tố Hữu khóc Bác bằng những vần thơ vô cùng xúc động:

Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi 

Năm canh bớt nặng nỗi thương đời 

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế 

Ôm cả non sông, mọi kiếp người…

Bác sống như trời đất của ta 

Yêu từng ngọn lúa mỗi cành hoa 

Tự do cho mỗi đời nô lệ 

Sữa để em thơ, lụa tặng già…

Bác để tình thương cho chúng con 

Một đời thanh bạch, chẳng vàng son 

Mong manh áo vải, hồn muôn trượng 

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Trước đây, theo lời Bác dạy, hàng triệu thanh niên miền Bắc đã tạm xa đồng ruộng, nhà máy, trường học để nắm chắc cây súng, lên đường chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu:

Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mĩ,

Mà lòng phơi phới dậy tương lai.

(Tố Hữu)

Mĩ cút, ngụy nhào, non sông ta liền một dải, cả dân tộc tay trong tay đoàn kết xây dựng một nước Việt Nam mới ngày càng phát triển. Tuổi trẻ lại một lần nữa xung phong vào những trận tuyến nóng bỏng của cuộc sống để góp phần xóa đi dấu tích chiến tranh, thay đổi bộ mặt đất nước, nâng cao cuộc sống nhân dân. Coi nhẹ quyền lợi của bản thân, coi trọng quyền lợi tập thể sống có lí tưởng, hoài bão đúng đắn, sẵn sàng cống hiến sức lực, tài năng cho sự nghiệp chung của dân tộc – đó là sống đẹp.

Xung quanh ta có rất nhiều gương sáng chứng minh cho quan điểm sống mình vì mọi người. Một cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mĩ, nay tuổi đã ngoài sáu mươi, nguồn Sống duy nhất là số lương hưu ít ỏi mà vẫn ngày ngày viết thư, thông báo tin tức cho thân nhân của những liệt sĩ còn nằm rải rác ở khắp các chiến trường, để các liệt sĩ được trở về yên nghỉ trên mảnh đất quê hương. Chị Tư Hồng, một y tá quân y sau hòa bình đã bỏ công sức gần hai mươi năm để đi tìm hài cốt đồng đội. Chị đã mang lại niềm vui cho hàng trăm gia đình liệt sĩ. Công việc chị làm hoàn toàn tự nguyện, tự giác, xuất phát từ lòng nhân ái, từ tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng, sống như chị là sống đẹp.

Có thể kể thêm những tấm gương sống đẹp khác như chị Hướng Dương, bị tai nạn cụt cả hai chân vẫn không bi quan, chán nản, vẫn vươn lên bằng nghị lực mạnh mẽ để trở thành người có ích cho đời. Chị đã lập ra thư viện sách nói để phục vụ các em học sinh khiếm thị. Các em coi chị Hướng Dương là cô Tiên đã đem ánh sáng tinh thần đến cho những người tưởng chừng suốt đời phải sống trong bóng tối. Hay như chị Trịnh Tiểu Hương – một trẻ bụi đời năm xưa – nay đã trở thành người mẹ hiền của hàng trăm trẻ mồ côi, bất hạnh. Tất cả mọi suy nghĩ, hành động của chị đều xuất phát từ một mục đích : đem lại tình thương yêu và niềm tin cho các em trong cuộc sống. Gần hơn nữa, cụ thể hơn nữa là sự chia sẻ của nhân dân cả nước đối với đồng bào các vùng bị thiên tai, bão lụt. Một miếng khi đói bằng một gói khi no; Lá lành đùm lá rách… Dẫu chỉ là một vài chục ngàn của bác xích-lô, em học trò, chị buôn gánh bán bưng… hoặc vài chục, vài trăm triệu của những nhà doanh nghiệp lớn, nhưng tất thảy đều đáng quý vì nó chứng minh cho truyền thống nhân ái – một lối sống đẹp của dân tộc Việt Nam.

Xem thêm:  Hướng dẫn cảm nhận, phân tích một bài thơ, đoạn thơ thi vào lớp 10 THPT

Xin trích hai đoạn thơ cũng trong bài Một khúc ca của nhà thơ Tố Hữu để kết thúc bài viết này:

Nếu là con chim, chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình?

Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn ?

Bữa cơm dù dưa muối đầy vơi 

Chân lí chẳng bao giờ đổi bán 

Tình thương vô hạn để cho đời.

Nghị luận về ý thơ của Tố Hữu: Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn? – Dàn ý

I. Mở bài:

Cuộc sống của con người thật đa dạng và mỗi người đều có một quan điểm riêng của mình về cuộc sống. Có người chỉ biết sống cho riêng mình, cho hiện tại mà chẳng cần biết đến kẻ khác, chẳng biết ngày mai sẽ ra sao. Nhưng cũng có rất nhiều người luôn suy nghĩ, trăn trở về cuộc sống làm thế nào để có một cuộc sống đẹp theo đúng ý nghĩa của nó. Nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ Một khúc ca xuân cũng đã từng bâng khuâng: “Ôi sống đẹp đẹp là thế nào hỡi bạn”.

II.Thân bài:

1. Giải thích: Sống như thế nào là sống đẹp?

“Sống đẹp” là cách sống không phải chỉ biết sống cho riêng mình, sống theo lối sống cá nhân, ích kỉ, đi ngược lại đạo lí làm người… mà “sống đẹp” là một cách sống biết hi sinh, vị tha, biết đấu tranh cho hạnh phúc của người khác, tức là phải luôn luôn sống theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

“Sống đẹp ” còn là cách sống luôn hướng về một mục đích, một lí tưởng cao đẹp, luôn gắn bó cuộc đời mình với đất nước với nhân dân. Cách sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một minh chứng hùng hồn cho cách sống đẹp. Vì thiết tha với đất nước, với nhân dân nên cả cuộc đời Bác phải trải qua biết bao nhiêu hi sinh, gian khổ để đấu tranh cho nền độc lập, tự do của đất nước, cho hạnh phúc của nhân dân: “Chỉ biết quên mình cho hết thảy – Như dòng sông chảy nặng phù sa" như nhà thơ Tố Hữu đã nói.

Người có cách sống đẹp là người có tâm hồn, tình cảm lành mạnh, có ước mơ trong sáng, có niềm tin và nghị lực vượt qua bao sóng gió của cuộc đời để vươn đến một tương lai tươi sáng. Qua bao kì thi tuyển sinh vào Đại học ta đã thấy có nhiều học sinh con nhà nghèo thiếu sách vở, thiếu thời gian vì còn phải làm việc để phụ giúp gia đình nhưng nhờ có tinh thần hiếu học, luôn nỗ lực trong cuộc sống và học tập nên đã trở thành thủ khoa trong những kì thi tuyển sinh đại học ấy.

2. Tầm quan trọng của việc sống đẹp.

“Sống đẹp” sẽ đem lại cho chúng ta một cuộc sống thật vô cùng ý nghĩa. “Sống đẹp" sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta trong sáng, thanh cao hơn, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn, đẩy lùi cái xấu, phát huy cái tốt, làm cho người gần người hơn, đời sống tinh thần ngày càng phong phú văn minh hơn.

Người học sinh sống đẹp là phải biết chăm chỉ học tập, có đạo đức tót, hiếu thảo với cha mẹ, lễ phép với thầy cô, thân ái, hòa nhã với bạn bè, biết nghe theo những lời hay, lẽ phải mà cha mẹ và thầy cô thường dạy bảo. Hơn nữa một người học sinh sống đẹp là người học sinh ấy phải trung thực trong học tập, không quay cóp trong khi làm bài, không xả rác trong lớp học và nơi công cộng, phải biết yêu thương, trân trọng, giúp đỡ những người nghèo khổ, tàn tật, phải biết bênh vực và đấu tranh cho lẽ phải, không tham gia vào các vụ bạo lực học đường.

Hơn nữa, khi chúng ta sống đẹp, được mọi người thương yêu, trân trọng thì khi chúng ta gặp rủi ro, hoạn nạn, chúng ta sẽ được mọi người cứu giúp, cưu mang, đùm bọc để chúng ta vượt qua những rủi ro hoạn nạn ấy.

III. Kết bài:

Tóm lại, “Sống đẹp” là biểu hiện cách sống của một con người có văn hóa. Sống đẹp: làm cho nhân cách của chúng la ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần làm cho cuộc sống xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Muốn sống đẹp chúng ta phải luôn đấu tranh với cái ác, cái xấu, tư tưởng cá nhân ích kỉ, tầm thường, nhỏ hẹp; phát huy cái tốt, cái thiện và phải biết trân trọng cái đẹp.

Topics #bạo lực học đường #Cảm nhận #chiến tranh #con đường #con người #cuộc sống #dũng cảm #đất nước #hiện nay #học sinh #học tập #lao động #lối sống #lối sống đẹp #lớp học #người mẹ #niềm tin #Ôi! Sống đẹp là thế nào hỡi bạn? #Phạm Tiến Duật #quan điểm #sống đẹp #suy nghĩ #tập thể #thời gian #Tố Hữu #trường học #Tuổi trẻ #ước mơ #văn minh #văn nghị luận #vệ sinh #việc tốt #viết thư