Nghị luận về Căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS
Bài làm
Từ khi mới nhen nhóm sự sống trên trái đất cho đến nay, để tồn tại và phát triển, con người đã phải vượt qua biết bao quá trình chuyển hóa của thiên nhiên và vạn vật, trải qua biết bao cuộc đấu tranh để bảo vệ quê hương và đất nước. Trong tất cả mọi hoạt động, con người đều không ngừng vươn lên để chiến thắng mọi rào cản, bảo vệ chính mình. Thế nhưng, khi đã trải qua quá trình vất vả ấy, khi xã hội đang trên đà phát triển, chúng ta lại đặt mối quan tâm đến một vấn đề lớn hơn, đó là bệnh tật. Sự tiến bộ của con người và khoa học kĩ thuật đã đẩy lùi biết bao căn bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Nhưng có một căn bệnh mà cho đến nay con người vẫn chưa khống chế được nó hoàn toàn, đó chính là HIV/AISD – căn bệnh thế kỉ.
Người ta gọi căn bệnh này bằng cái tên AISD. Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ bản chất của nó. Thật ra, HIV/AIDS là một bệnh của hệ miễn dịch, gây ra do bị nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người. Đây không phải là bệnh chết người, nhưng lại gây chết người gián tiếp bằng các bệnh khác. Việc hệ miễn dịch bị suy yếu do sự tấn công của vi rút HIV khiến cơ thể dễ mắc các bệnh khác như cảm cúm, sốt rét, ung thư… lúc này cơ thể không đủ sức đề kháng để ngăn ngừa căn bệnhvà dẫn đến tử vong. HIV – AIDS lây truyền qua ba con đường là đường máu, di truyền từ mẹ sang con và quan hệ tình dục không an toàn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), HIV được xem là một đại dịch. Bởi lẽ, trong khi thế giới vẫn chưa tìm ra cách đối phó thì số lượng người nhiễm bệnh vẫn không ngừng tăng lên. Từ khi phát hiện ra HIV vào năm 1981 cho đến năm 2006, AIDS đã giết chết hơn 25 triệu người, khoảng 0,6% dân số thế giới bị nhiễm HIV
Ở Việt Nam, năm 2015, đã phát hiện 10.195 trường hợp nhiễm mới HIV số bệnh nhân chuyển sang AIDS là 6130, tử vong do AIDS 2130 trường hợp. Tính đến cuối năm 2015 cả nước hiện có 227.154 trường hợp nhiễm HIV còn sống và ước tính hiện có 254.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng.
Không thể phủ nhận rằng, căn bệnh HIV – AIDS đã trở thành nỗi đau của cả nhân loại, cho người bệnh và cho cả xã hội.
Đối với những người nhiễm bệnh, đó là sự giày vò trong cơ thể, khi cái đau đớn lan đến tận xương tủy, nhưng lại không thể nào xua đuổi nó. Sự tuyệt vọng trong tinh thần, khi biết chính mình mắc phải căn bệnh không có phương thuốc nào có thể chữa khỏi, nhưng vẫn phải sống tiếp. Có sự tuyệt vọng nào bằng sự tuyệt vọng khi phải cố chống chọi từng ngày dù biết trước kết cục của mình? Những người thân yêu bên cạnh mình, liệu họ có vui vẻ và thoải mái để sống tiếp? Chắc chắn không, bởi họ cũng sẽ mang nỗi đau ấy trong lòng – nỗi đau về tinh thần khi nhìn người mình thương yêu đang chịu đau đớn và giày vò.
Xét trên khía cạnh xã hội, nền kinh tế quốc gia sẽ bị ảnh hưởng. Những người nhiễm bệnh không thể tham gia vào việc phát triển kinh tế đất nước. Không chỉ thế, chúng ta phải tiêu tốn một khoản kinh phí lớn để hỗ trợ y tế khi số lượng người nhiễm bệnh ngày một tăng lên. HIV còn làm giảm tuổi thọ của một quốc gia, khiến nhiều đứa trẻ vô tội chưa kịp mở mắt thì đã phải lặng lẽ thiếp đi một đời, khiến nhiều người mẹ chưa kịp thấy con đã vội chia xa, những người chồng đang độ tuổi lao động phải bỏ cả cuộc đời… Những nỗi đau ấy, không ai có thể xoa dịu được.
Có thể thấy, bên cạnh những con người đã từng lầm lỡ để rồi mang trong mình căn bệnh thế kỉ, cũng có những người rơi vào tình cảnh éo le để rồi vô tình bị nhiễm HIV. Đó là những đứa trẻ vô tội bị lây nhiễm từ bố hoặc mẹ khi vừa mới lọt lòng; là người vợ bị ảnh hưởng từ người chồng nghiện hút, tiêm chích; là những chiến sĩ công an bị lây nhiễm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ… Tất cả họ đều chịu chung số phận đau đớn khi vô tình mắc phải căn bệnh quái ác. HIV mang đến nhiều tai ương và nỗi đau, nhưng nó không phải là căn bệnh truyền nhiễm. Đứng từ xa, nhìn vào cuộc sống của những người nhiễm HIV, chắc hẳn ta cũng phần nào hiểu được những tủi hờn, khó khăn,…mà họ đang phải đối diện. Ấy vậy mà rất nhiều người bệnh lại bị xa lánh, tách biệt. Nhiều người cho rằng người nhiễm bệnh HIV – AIDS mang trên mình những thứ xấu xí, nguy hại trực tiếp. Bên cạnh nỗi đau căn bệnh giày vò, những người mắc bệnh HIV còn phải chịu đựng nỗi đau từ cái nhìn của những người khỏe mạnh xung quanh. Họ khỏe mạnh, nhưng trái tim lại bị khiếm khuyết, bởi họ đã đánh mất tình thương cho đồng loại và cái nhìn đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh hơn mình.
Nhà văn Nga Queen Florist viết rằng: “Nơi lạnh giá nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình thương.” HIV không chỉ giết chết chúng ta bằng nỗi đau bệnh tật, mà còn gián tiếp giết họ bằng sự vô cảm và hờ hững của những người xung quanh. Thay vì cười đùa, chế nhạo hay cô lập, chúng ta hoàn toàn có thể nắm tay họ, để trao gửi chút hơi ấm tình người, để những người bệnh vô tình nhiễm phải “căn bệnh thế kỉ” ấy biết rằng, họ không chống chọi một mình. Bởi “Trong thế giới khốc liệt của AIDS, không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết” (Cô-phi An-nan).
HIV- AIDS là con quái vật gặm nhấm thể xác và tinh thần của người bệnh từng ngày. Nhưng nếu ta vững niềm tin, nếu ta truyền đến những tiếng yêu thương, dẫu rằng có thể căn bệnh ấy sẽ không biến mất đi hoàn toàn, song chí ít, đến tận giây phút cuối cùng, những người mắc bệnh vẫn sẽ vui vẻ bước đi, vì họ đã cố để sống tiếp, để sống trong tình yêu hết mình, vì thế giới được tạo nên từ tình yêu thương đồng loại, và niềm tin về một tương lai sáng hơn.
Đối với bản thân mỗi người, điều quan trọng là cần phải thấy được tác hại nghiêm trọng của căn bệnh thế kỷ này, từ đó mỗi chúng ta cần chuẩn bị cho mình những kiến thức hữu ích để tự bảo vệ mình và mọi người; cần có lối sống trong sạch lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng… góp phần ngăn chặn sự lây nhiễm của HIV/AIDS.